CĐ Cồng nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa
22/01/2016 00:00
CĐ Cồng nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC
SƯ PHẠM KỸ THUẬT VINH
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
CHUẨN ĐẦU RA
NGÀNH
CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT ĐIỀU KHIỂN VÀ TỰ ĐỘNG HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41 /QĐ-ĐHSPKTV ngày 18 tháng 01 năm 2016
của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh)
Tên ngành đào tạo:
  • Tiếng Việt: Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa
  • Tiếng Anh: Automation and Control Engineering Technology
Trình độ đào tạo: Cao đẳng
            Căn cứ vào năng lực đội ngũ, năng lực quản lý điều hành, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cam kết sau khi kết thúc chương trình đạo tạo ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa trình độ cao đẳng người học sẽ đạt được:
1. Về kiến thức:                         
-   Kiến thức chung:  
+ Có hiểu biết về những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; có kiến thức khoa học xã hội – nhân văn, giáo dục thể chất và giáo dục Quốc phòng – An ninh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có hiểu biết chung về các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa và môi trường của Việt Nam và thế giới.
+ Có kiến thức về khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên phù hợp chuyên ngành đào tạo để tiếp thu các kiến thức chuyên ngành và tiếp tục học ở các bậc học cao hơn.
+ Có hiểu biết về công nghệ thông tin cơ bản; Sử dụng máy tính cơ bản; Xử lý văn bản cơ bản; Sử dụng bảng tính cơ bản; Sử dụng trình chiếu cơ bản; Sử dụng Internet cơ bản. 
+ Hiểu được các câu và cấu trúc câu tiếng Anh được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm). Có thể trao đổi thông tin bằng tiếng Anh về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày. Có thể mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu bằng tiếng Anh.
- Kiến thức chuyên ngành:
  • Có kiến thức về nguyên lý và phân tích các mạch điện điều khiển tự động khống chế, các mạch điện tử tương tự và số, mạch điện tử công suất, mạch đo lường và xử lý tín hiệu.
  • Có kiến thức về cấu tạo, nguyên lý và tính năng của các thiết bị điện trong công nghiệp và dân dụng để tính chọn, sửa chữa đảm bảo tính năng vận hành của thiết bị trong hệ thống tự động hóa.
  • Có kiến thức về nguyên lý và các phương pháp phân tích hoạt động của các hệ truyền động điện, các hệ thống truyền động tự động công nghiệp nhỏ, các dây chuyền sản xuất nhỏ trong công nghiệp.
  • Có kiến thức về nguyên lý và các phương pháp phân tích hoạt động các hệ thống cung cấp điện phân xưởng, nhà máy công nghiệp nhỏ; hệ thống chiếu sáng; hệ thống chống sét; hệ thống an ninh, an toàn điện.
2. Về kỹ năng:
+ Lắp đặt, vận hành các các hệ thống điều khiển tự động công nghiệp vừa và nhỏ, các hệ thống dân dụng: PLC, vi điều khiển...
+ Kiểm tra, sửa chữa, cài đặt, các thiết bị điện, các loại máy điện xoay chiều, một chiều, các hệ thống truyền động điện tự động nhỏ, hệ thống bán tự động trong các máy và dây chuyền sản xuất công nghiệp và dân dụng.
+ Thi công, lắp đặt và bảo trì hệ thống phân phối điện năng trong phân xưởng, hệ thống chiếu sáng dân dụng, hệ thống chiếu sáng phân xưởng và nhà máy vừa và nhỏ, hệ thống chống sét và nối đất cho các nhà máy, xí nghiệp nhỏ và dân dụng.
+ Xây dựng mô hình và mô phỏng được các hệ thống truyền động điện tự động trên các phần mềm tin học chuyên ngành như: phần mềm Matlab, C, C++, CAD, Labview...
+ Lập trình và cài đặt các hệ thống PLC, Biến tần công nghiệp, hệ vi điều khiển.
+ Sữ dụng các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong tiếng anh giao tiếp và tiếng anh chuyên ngành có hiệu quả trong công việc.
+ Trình bày, lập luận logic, ngắn gọn, dễ hiểu và có sức thuyết phục: Sử dụng thành thạo các phương tiện giao tiếp như văn viết, thư điện tử, Internet để trình bày thiết kế kỹ thuật hay các bài thuyết trình bằng đồ họa, mô hình và tài liệu đa phương tiện.
+ Tập hợp nhân lực để thành lập và duy trì hoạt động nhóm: Duy trì và phối hợp tốt với cá nhân trong nhóm, tổ chức nhóm làm việc hiệu quả, phát triển nhóm; có kỹ năng làm việc với các nhóm khác nhau.
  • Làm việc độc lập, kỹ năng giao tiếp, năng động và sáng tạo trong công việc, có thái độ nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành và xã hội.
Tham gia điều hành và quản lý các công việc thi công lắp đặt, tổ chức sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, đảm bảo quy định trong sản xuất kinh doanh của ngành nghề.
+ Có phương pháp tìm hiểu các thông tin trong lĩnh vực kỹ thuật và trong lĩnh vực điều khiển và tự động hóa.
+ Có kế hoạch học tập bồi dưỡng và nâng cao trình độ.
+ Có phương pháp tìm hiểu thông tin về việc làm và chủ động tự tìm kiếm việc làm.
3. Về thái độ:
Có ý thức trách nhiệm công dân; có thái độ và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn; có ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp.
Có nhận thức rõ và chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân; có ý thức tự giác bảo vệ của công, bảo vệ môi trường. 
Nghiêm túc với công việc, có phương pháp làm việc khoa học, biết phân tích và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, đúc kết kinh nghiệm để hình thành kỹ năng tư duy, lập luận.
Trung thực, năng động, tự tin, có trách nhiệm và ý thức phục vụ cộng đồng, hòa hợp và cầu thị. Biết tôn trọng lợi ích tập thể.
Có tính kiên trì, linh hoạt, khả năng tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và biết đương đầu với thử thách..
Có ý thức thường xuyên học tập, bồi dưỡng, trau dồi kiến thức, luôn quan tâm và cập nhất thông tin trong lĩnh vực kỹ thuật.
Chủ động tìm kiếm việc làm, chủ động lên kế hoạch cho nghề nghiệp của mình.
Vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp:
Sau khi tốt nghiệp, cử nhân Cao đẳng ngành Công nghệ Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa có thể làm việc với vai trò của cán bộ kỹ thuật tại các nhà máy công nghiệp với các nhiệm vụ lắp đặt, vận hành, bảo trì,  tham gia điều phối, quản lý các công việc Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.
Làm việc tại các công ty xây lắp điện với vai trò thi công lắp đặt các dây chuyền sản xuất, các hệ truyền động tự động tại các nhà máy, các khu công nghiệp và các khu chế xuất. 
Làm việc tại các cơ sở đào tạo như: Các trường Cao đẳng kỹ thuật, Trung học chuyên nghiệp hoặc các trường dạy nghề với vai trò giáo viên, cán bộ hướng dẫn thực hành, hướng dẫn thí nghiệm thuộc chuyên ngành điều khiển và tự động hóa.
Làm việc tại các sở khoa học công nghệ, các cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, các cơ quan có liên quan đến lĩnh vực Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, với vai trò là các cán bộ kỹ thuật.
Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp:
Có khả năng tiếp tục học tập các chương trình đào tạo đại học thuộc ngành Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa, hoặc các ngành liên quan thuộc lĩnh vực điện khi được bổ sung học các học phần chuyển đổi.
Có khả năng học tập, tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực Công nghệ Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử.
Các chương trình, tài liệu, chuẩn quốc tế mà nhà trường tham khảo
Chương trình khung đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Chương trình đào tạo trường đại học Bách Khoa Hà Nội, đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, đại học Bách Khoa Đà nẵng, đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

 
  HIỆU TRƯỞNG
(đã ký)
TS. Hoàng Thị Minh Phương