TÓM TẮT LỊCH SỬ

 

          Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, tiền thân là trường Công nhân Kỹ thuật Vinh được thành lập theo Quyết định số 113/CP.PG ngày 08/4/1960 của Chính Phủ. Bấy giờ, Trường Công nhân Kỹ thuật Vinh cùng với Trường Công nhân Kỹ thuật Hải Phòng là hai trường lớn làm nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật ở miền Bắc. Trường đóng trên bãi Cồn Nia, thuộc Làng Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

           Năm 1973, Trường đổi tên thành Trường Giáo viên dạy nghề Vinh.

           Năm 1978, Trường được nâng cấp thành Trường Sư phạm Kỹ Thuật Vinh;

           Năm 1999, Trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vinh.

         Năm 2006, Trường được nâng cấp thành Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh theo quyết định số 78/2006/QĐ-TTg, ngày 14.4.2006 của Thủ tướng Chính phủ. Trường ĐHSPKT Vinh là Trường công lập, có chức năng đào tạo giáo viên dạy nghề trình độ thạc sỹ, đại học và cao đẳng; đào tạo nhân lực trình thạc sỹ, độ đại học và cao đẳng các chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ và kinh tế; dạy nghề các cấp trình độ; nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ giáo dục – đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội.

          Hiện nay, Trường có 8 khoa, 2 trung tâm. Đào tạo 4 ngành thạc sỹ; 14 ngành đại học ở các lĩnh vực: Cơ khí chế tạo, Cơ khí Động lực,  Công nghệ Thông tin, Điện, Điện tử, Sư phạm Công nghệ, Kinh tế.  

         Trong suốt 65 năm qua, nhà trường đã đào tạo - bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề cho hàng nghìn người, trong đó có nhiều người đã trở thành cán bộ quản lý dạy nghề giỏi, cán bộ khoa học kỹ thuật, thợ bậc cao, nhiều người đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp. Sinh viên của Trường luôn đạt giải cao trong các kỳ thi sáng tạo KHKT. Chất lượng đào tạo của Nhà trường luôn được xã hội đánh giá cao. Vì vậy, 95%  sinh viên của Trường tốt nghiệp đều có việc làm đúng chuyên môn và thu nhập ổn định. Hiện nay, các công ty và tập đoàn lớn như: Tập đoàn Hồng Hải (Foxconn); Tập đoàn Fosmosa; Công ty TOYOTA; Tổng công ty lắp máy (LILAMA); Tổng công ty Sông Đà; Tập đoàn TH; Luxshare ICT, LG Display; Vinfast...đã đặt hàng đối với Nhà trường để đào tạo và cung cấp nhân lực kỹ thuật trình độ cao. 

           Với hơn 50 đối tác liên kết là các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp và công ty, tập đoàn trong và ngoài nước, Trường có nhiều điều kiện thuận lợi để sinh viên thực tập, thực tế để tiếp cận mới môi trường lao động công nghiệp, hiện đại.  
          Để nâng dần chất lượng đào tạo theo chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế, Trường đã tăng cường quan hệ quốc tế với một số trường của Cộng hòa Séc, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Úc, Anh, Mỹ để đào tạo đại học và sau đại học;  

         Về cơ sở vật chất, trường hiện có hệ thống phòng học, thí nghiệm, xưởng thực hành với 124 phòng học lý thuyết; 40 phòng thí nghiệm; 88 phòng thực hành cùng trang thiết bị hiện đại đồng bộ đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thư viện có hơn 83.000 bản sách và hệ thống thư viện điện tử, thư viện số kết nối. Ký túc xá 800 chỗ đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt và học tập tốt cho sinh viên. 

        Nhận thức được vai trò to lớn của hoạt động khoa học công nghệ trong nhà trường Đại học, trường đã triển khai và tìm các giải pháp nhằm huy động đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, chất lượng của hoạt động này ngày càng được nâng cao. Hiện trường có gần 260 viên chức. Trong đó đội ngũ giảng viên có trình độ sau đại học 100%. Nhiều giảng viên được đào tạo ở nước ngoài, đó chính là nguồn nhân lực đầy tiềm năng của đội ngũ thầy giáo tâm huyết, yêu nghề, nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

       Với những thành tựu nổi bật, Trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1985), Huân chương Lao động hạng Nhì (1990), Huân chương Lao động hạng Nhất (1995), Huân chương Độc lập hạng Ba (2004), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2010). Nhiều năm liền Trường tiếp tục được nhận Cờ thi đua của xuất sắc của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ. 

       Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh đã và đang tập trung cho bước đi mới với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ; khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực, tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất để xây dựng Trường thành một địa chỉ đào tạo có chất lượng, có uy tín, là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực và cả nước với các mục tiêu:

           + Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, sư phạm kỹ thuật, kinh tế theo hướng ứng dụng; bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho nhà giáo GDNN và người lao động phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

          + Hoàn thiện mô hình đảm bảo chất lượng bên trong; phát triển văn hóa chất lượng trong toàn bộ hoạt động của Nhà trường; thực hiện kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học và sau đại học theo chuẩn Quốc gia và tiêu chuẩn AUN.

          + Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, thích ứng linh hoạt đáp ứng tốt yêu cầu của cơ chế tự chủ đại học; phát triển đội ngũ CBQL, giảng viên, cán bộ phục vụ đáp ứng tiêu chuẩn của trường đại học ứng dụng.

         + Phát triển nghiên cứu khoa học theo hướng nghiên cứu chuyển giao, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích; có nhiều công nghệ lõi và công nghệ tích hợp liên ngành; đủ năng lực phát triển một số sản phẩm có giá trị thương mại; đi tiên phong trong chuyển giao công nghệ kỹ thuật và công nghệ đào tạo.

          + Xây dựng hệ thống các đối tác chiến lược trong hợp tác phát triển, trọng tâm là hợp tác phát triển đào tạo chất lượng cao, tiến tiến; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; phát triển các đơn vị hoạt động dịch vụ tăng nguồn thu.

          + Xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính, tăng nguồn thu để đảm bảo tự chủ chi thường xuyên vào năm 2025 và đảm bảo chi đầu tư phát triển vào 2030; tranh thủ nguồn đầu tư của Nhà nước để phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng và đội ngũ; thu hút các nguồn lực xã hội hóa để nâng cao năng lực của Trường. 

          + Điều chỉnh quy hoạch phát triển Trường; cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng hiện có, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; tranh thủ các nguồn đầu tư đề xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng đáp ứng yêu cầu đại học số; đầu tư trang thiết bị dạy học phù hợp với quy mô và định hướng đào tạo ứng dụng.

        Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, dẫu trong hoàn cảnh nào, tập thể cán bộ, giảng viên, Người lao động, học viên, sinh viên, thế hệ nối tiếp thế hệ đã không ngừng phấn đấu vươn lên vượt qua mọi khó khăn để hoàn tốt thành nhiệm vụ.