Tự hào về mùa thu Cách mạng tháng Tám
18/08/2021 16:34
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mùa thu năm 1945 đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản vận mệnh của đất nước và dân tộc ta, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Tự hào về mùa thu Cách mạng tháng Tám

 

 

                                                     Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội

        Ngày 09/3/1945, sau khi Nhật đảo chính lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, cao trào Kháng Nhật cứu nước đã diễn ra sôi nổi khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Đây là thời kì khởi nghĩa từng phần làm tiền đề để sẵn sàng chuyển qua Tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.

        Tháng 8/1945, Nhật đầu hàng Đồng minh, tên phát xít cuối cùng đã bị tiêu diệt, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Trước chuyển biến mau lẹ của tình hình, ngày 13/8, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc vừa mới thành lập đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Ngày 14-15/8/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Ngày 16-17/8/1945, Đại hội Quốc dân được triệu tập đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng. Như vậy, toàn Đảng, toàn dân, trên dưới một lòng với một quyết tâm “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết dành cho được độc lập”.

                               Ngày 19/8/1945, quần chúng cách mạng đánh chiếm Phủ Khâm sai( Hà Nội)

         Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: Việt Nam đã trở thành nước tự do, độc lập đồng thời khai sinh ra nước Việt Nam DCCH, nay là nước CHXHCN Việt Nam.

 

     Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình(Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

        Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trang sử vàng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, một bước ngoặt cách mạng chưa từng có trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam, chính thức chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Từ đây, nhân dân Việt Nam đã thật sự làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Với ý nghĩa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

        Cách mạng tháng Tám 1945 để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là bài học về có một đảng tiên phong thật sự cách mạng, tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, được tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng đã nắm vững hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn lịch sử, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, có phương pháp và hình thức đấu tranh phù hợp; biết nắm bắt thời cơ, xây dựng lực lượng và tổ chức, sử dụng lực lượng; phát huy được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để dẫn dắt quần chúng đứng lên giành và giữ chính quyền...

        Phát huy tinh thần và những giá trị của cách mạng tháng Tám trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, thế hệ trẻ phải là những người xung kích đem “dòng chảy” truyền thống, hào khí anh hùng của Cách mạng Tháng Tám mãi mãi nhịp bước cùng với sự phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam. Khi giá trị truyền thống đã đi vào con tim, khối óc của thế hệ trẻ, tất yếu nó sẽ là sức mạnh tinh thần, là động lực nội sinh để họ tự tin tiến lên phía trước, cống hiến sức lực, trí tuệ của mình vào thực hiện mục tiêu xuyên suốt là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

 

 

 



Trung tâm Thông tin - Thư viện